Sunday, July 20, 2014

Ngân hàng mới của BRICS: Lật ngược ván cờ?

Lãnh đạo của các thị trường mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vừa đạt thỏa thuận đầu tuần này để thành lập một ngân hàng phát triển mới với quỹ ban đầu 50 tỉ USD, đóng góp đều bởi mỗi nước. Ngoài ra, một quỹ dự trữ ngoại tệ chung cũng sẽ được thành lập với tổng trị giá 100 tỉ đô. Diễn biến mới này đã mở ra nhiều cuộc tranh luận khắp các báo và giữa các nhà kinh tê, chủ yếu cố gắng trả lời 2 câu hỏi: (1) Liệu ngân hàng và quỹ tiền tệ mới này có thể thách thức nổi vai trò tài chính và tín dụng quốc tế hiện giờ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không, và (2) liệu hai tổ chức mới này có thể thúc đẩy phát triển và giảm nghèo ở các nước đang phát triển tốt hơn WB và IMF hay không.

Theo tôi, câu hỏi (1) là quan trọng bởi vì nếu 5 nước đang phát triển này có thể thay đổi vai trò với phương Tây và Mỹ để trở thành đầu tàu tín dụng và tiền tệ thế giới, thì đó là bước đầu rất căn bản và quan trọng để họ có được những quyền lực khác trên trường quốc tế. Tất nhiên, đáng ra chuyện nước A hay nước B nắm giữ ngân hàng quan trọng nhất của thế giới sẽ không quan trọng lắm, trừ phi A và B có những chính sách chính trị, ngoại giao rất khác biệt nhau, và muốn sử dụng hệ thống tài chính để áp đặt chính sách của họ lên các nước khác. Điều này rất đáng tiếc đang xảy ra với hệ thống của phương Tây, và cũng sẽ lại xảy ra nếu BRICS có thể nắm quyền thành công. Do vậy, dù gì đi nữa, câu hỏi số (2) mới là điều quan trọng nhất.

THÁCH THỨC PHƯƠNG TÂY?

Chính vào tháng này 70 năm trước, các lãnh đạo thế giới đã gặp mặt tại hội nghị Bretton Woods để quyết định thành lập nên Ngân hàng Thế giới (chính thức: Ngân hàng Quốc tế cho Tái Thiết và Phát Triển) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi đó đóng vai trò chủ yếu trong hội nghị này là Mỹ và Anh. Kể từ đó, WB lúc nào cũng có một chủ tịch người Mỹ, còn IMF luôn chọn một người châu Âu để dẫn đầu. Sự thành lập của Ngân hàng Phát triển BRICS (viết tắt: NH BRICS) lần này rõ ràng là một nỗ lực tái dựng tài chính quốc tế kiểu Bretton Woods, mà dẫn đầu là các nền kinh tế mới nổi thay vì Mỹ và phương Tây.

Thách thức phương Tây hay không, việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ riêng chắc chắn sẽ giúp cho BRICS độc lập hơn trong các quyết định tài chính công và phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Có một sự thật bất thành văn là những khoản nợ cho vay của WB và IMF thường mang tính chủ quan và không chỉ được quyết định từ các yếu tố kinh tế. Đã có một vài ý kiến rằng khoản nợ đầu tiên, trị giá 250 triệu đô cho Pháp, trong lịch sử của WB đã được quyết định trao cho Pháp cùng với điều kiện (của Mỹ) rằng Chính phủ Pháp phải ngừng liên minh với Đảng Cộng sản. Vậy thì, cái gì có thể đảm bảo tằng WB và IMF sẽ vui vẻ giúp đỡ nếu Nga gặp phải khủng hoảng cán cân thanh toán trong khi nước này đang đối đầu với Mỹ và phương Tây về tình hình Ukraine chẳng hạn? Không gì cả. Vì lý do đó, sở hữu ngân hàng và quỹ dự trữ của riêng mình giúp BRICS tách được rõ ràng phụ thuộc kinh tế và chính sách ngoại giao của mình.

Trước mắt, một điều không thể phủ nhận rằng ngân hàng và quỹ dự trữ của BRICS không thể nào là đối thủ của WB và IMF khi tính về kích cỡ (giá trị của tài sản) - trừ phi một số thị trường mới nổi của nhóm này tăng trưởng theo tốc độ của Trung Quốc trong 10-20 năm nữa. Hiện nay WB có tài sản trị giá 324 tỉ đô (tính luôn các khoản nợ chưa đáo hạn), và IMF có 368 tỉ đô trong dự trữ, cùng với một lượng tiền trị giá 1000 tỉ đô mà các nước đã hứa sẽ đưa đến IMF khi cần. Do đó, WB có tài sản gấp 6 lần NH BRICS, và IMF có lượng quỹ gấp hơn 10 lần quỹ dự trữ của BRICS. Hơn nữa, vì phần lớn tài sản của hai tổ chức truyền thống này là được đóng góp từ các nước giàu, dù cho một số nước khác chuyển sang đóng góp cho BRICS, họ vẫn có thể đảm bảo một lượng tín dụng ổn định. Vì thế, nói về kích cỡ, ngân hàng BRICS có vẻ như là một David trước người khổng lồ Goliath có tên WB. Chưa kể, quỹ dự trữ của BRICS có thể sẽ không có tác dụng cho lắm. Chẳng hạn như, Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã phải cùng nhau giúp đỡ Hy Lạp khi nước này gặp khủng hoảng nợ vài năm trước, và lượng tiền họ phải đổ vào nước này là 110 tỉ euro vào tháng 5 năm 2010, và 100 tỉ euro nữa vào tháng 7/2011. Con số này là gần như gấp 3 lần lượng tiền mà BRICS có bây giờ.

Tất nhiên là so sánh này có phần khập khiễng: không nước BRICS nào có một nền tảng kinh tế yếu ớt như Hy Lạp. Ngay cả nước có khoản nợ công lớn nhất của BRICS là Brazil, với 54.9% GDP, vẫn không ăn nhằm gì so với 161.3% hiện giờ của Hy Lạp. Tuy nhiên, có một yếu tố khác nguy hiểm hơn: nguy cơ hệ thống. Nhiều nước trong BRICS đang là điểm dừng của một lượng đầu tư khổng lồ chảy vào không ngừng nghỉ kể từ 2011. Do đó các nước này đang chịu rất nhiều nguy cơ tỉ giá và nguy cơ tháo vốn (hay còn gọi là (vốn) dừng đột ngột, theo ngôn ngữ trong kinh tế học) khỏi các nước này. Các nguy cơ khủng hoảng này, nếu diễn ra, lại có khuynh hướng diễn ra cùng một lúc ở nhiều nước. Còn nhớ mùa hè năm ngoái, khi Fed chỉ mới bắt đầu đưa ra tín hiệu sẽ bỏ đi chương trình mua tài sản (vốn dùng để hạ lãi suất, kích thích thị trường Mỹ, nhưng vô tình lại tạo ra một lượng tiền đô la khổng lồ chảy vào các thị trường nóng), các nhà đầu tư phản ứng dữ dội, lập tức rút vốn ra khỏi các nước mới nổi ngay, và đổi từ ngoại tệ địa phương sang đô la, khiến các đồng tiền này mất giá nhanh chóng (vài đồng tiền đã mất giá trị hơn 20% so với đồng đô la trong năm 2013). Không phải ngẫu nhiên mà cùng một lúc 3 nước thuộc BRICS, Brazil, Ấn Độ, và Nam Phi lại được liệt kê vào danh sách "5 nền kinh tế dễ vỡ" (The Fragile Five) - ý chỉ 5 nền kinh tế cực kỳ nhạy cảm với dòng vốn và tâm trạng của các nhà đầu tư. Giả sử 3 nước này lâm vào khủng hoảng cùng một lúc, như vậy quỹ BRICS chỉ có thể cung cấp 33.3 tỉ USD cho mỗi nước, không đủ nhiều để thực sự giải quyết khủng hoảng.

Như vậy, dù có quỹ dự trữ của riêng họ, tôi nghi rằng BRICS sẽ dám thách thức hay dứt áo ra đi khỏi IMF trong tương lai gần.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TỐT HƠN?

Như một số tờ báo đã nói, ngân hàng phát triển này có thể thắng được trái tim của rất nhiều các nước châu Phi vốn đang đói vốn, nhưng không thể mượn vì lo ngại nhiều điều kiện về tái cơ cấu tài khóa hay cấu trúc nền kinh tế mà WB và IMF thường đòi hỏi khi cho mượn tiền. Đôi khi 2 nước này còn đòi hỏi nước mượn tiền các điều khoản về nhân quyền, môi trường,... những giá trị mà phương Tây ủng hộ. BRICS có khi sẽ không quan tâm về điều này. Hiện giờ BRICS vẫn chưa công bố chính thức phương thức cho vay của họ cho đến 2016, khi 2 tổ chức này chính thức hoạt động. Tuy nhiên, để tạo nên ưu thế so với WB và IMF, ngân hàng và quỹ dự trữ BRICS phải bỏ bớt các điều kiện này. Do đó, sự thành lập của ngân hàng BRICS có lẽ sẽ tạo nên dòng vốn dễ tiếp cận hơn cho các nước đang phát triển.

Trong lịch sử, các điều kiện đưa ra bởi IMF và WB không phải lúc nào cũng tốt, và đã vài lần bị chỉ trích nặng nề vì người ta cho rằng các điều kiện này kiềm hoãn phát triển (chẳng hạn như, vài người cho rằng IMF làm tệ đi khủng hoảng đồng tiền ở châu Á năm 1997-1998). Do đó, nếu BRICS quyết định không đưa ra những đòi hỏi tương tự WB hoặc IMF, đây lại có thể là một điều tốt cho các nước thành viên. Có thể, hoặc có thể không. Tôi chỉ sợ rằng các khoản cho vay bất cẩn sẽ cho phép các chính phủ (vốn tham nhũng và tài khóa vô trách nhiệm) có nhiều tiền hơn để dùng sai mục đích. Trường hợp xấu nhất, nhưng rất có thể xảy ra, là những khoản nợ này bị dùng sai mục đích và do đó không thúc đẩy phát triển, nhưng lại khiến các nước này ngày càng phải gánh nhiều nợ hơn. Do đó, cho tới khi biết rõ chính sách của BRICS năm 2016, chúng ta khó có thể biết được rằng ngân hàng này là tin tốt hay xấu cho sự tăng trưởng của các nước đang phát triển.

Suy cho cùng, tôi không quan tâm lắm về chuyện ai sẽ nắm quyền ngân hàng và quỹ dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới. Cái thực sự quan trọng là ai có thể làm bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển tốt hơn. Tất cả các nước BRICS đều đã có thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khi nói về tăng trưởng bền vững, tôi vẫn không tin tưởng Trung Quốc cho lắm. Vậy nên, cho đến khi NH BRICS có thể chứng minh hiệu quả, chắc cho phép tôi vẫn giữ sự ủng hộ của mình cho WB.

No comments:

Post a Comment