Monday, August 4, 2014

Ngân hàng ngầm ở các thị trường mới nổi

Khi tôi lần đầu đến bàn với giáo sư hướng dẫn về luận văn tốt nghiệp của mình, thầy nói ngay rằng tôi nên nghiên cứu về ngành ngân hàng ngầm ở Trung Quốc. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi đó là "Hừm, chưa gì thầy đã đưa ra một vấn đề thật cụ thể" (vì thường các thầy cho một chủ đề chung, rồi tụi mình sẽ giới hạn lại thành một câu hỏi cụ thể hơn). Khi đó, vì tôi không có chút hứng thú nào về cả Trung Quốc lẫn ngân hàng ngầm, tôi không hề nhìn vào chủ đề đó một tí nào cho đến hôm nay, khi tôi nhìn vào một bộ dữ liệu từ BIS (đại thể là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương).

1 - Ngân hàng ngầm là gì?


Nói một cách đơn giản nhất, ngân hàng ngầm là từ để chỉ những công ty, tổ chức vốn không phải là ngân hàng nhưng lại có hoạt động và chức năng cần giống như chức năng của một ngân hàng kiểu truyền thống. Một ngân hàng truyền thống thường có một chức năng duy nhất: tạo ra thanh khoản bằng cách nhận tiền gửi của những người có tiền dư tiết kiệm và cho người khác vay lại quỹ tiền ấy. Nói cách khác, ngân hàng đóng vai trò trung gian để chuyển tín dụng từ những người đang không cần sử dụng (người muốn gửi tiết kiệm) đến những người cần sử dụng (các nhà sản xuất, xây dựng, đầu tư các dự án,...). Tuy nhiên, vài thập kỉ gần đây, đã có rất nhiều tổ chức/cơ quan khác vốn không mang danh nghĩa là một ngân hàng thương mại nhưng lại có hoạt động tương tự, chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán hóa (securitization company), quỹ thị trường tiền tệ (money market fund),... Các khái niệm này có lẽ không phổ biến ở Việt Nam, nhưng lại rất phổ biến ở Mỹ và phát triển mạnh ngay trước khủng hoảng 2008. Các nhà kinh tế Mỹ đều cho rằng sự phát triển của các tổ chức ngân hàng ngầm này là một trong các nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tài chính 2008-2009. Điều nguy hiểm của ngân hàng ngầm là vì các công ty, cơ quan này không là ngân hàng trên danh nghĩa, do đó không bị quản lý chặt chẽ bởi các nhà làm luật. Vì thế, các công ty này có thể cho vay theo chiến thuật nguy hiểm (cho vay rất nhiều hơn lượng tiền và tài sản có trong tay; và khi các khoản vay này trở thành nợ xấu sẽ khiến các tổ chức này phá sản). Các công ty này phá sản sẽ làm tê liệt một bộ phận sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, gây ra khủng hoảng.

Vài năm trước đây, các nhà nghiên cứu thường chỉ tập trung đến ngành ngân hàng ngầm ở các nền kinh tế phát triển, như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, dạo gần đây, người ta đang tập trung hơn đến các thị trường mới nổi, vì đã bắt đầu có một số chứng cứ cho thấy ngành ngân hàng ngầm đang dần phát triển ở các nền kinh tế này. Chẳng hạn như, báo Economist vài tuần trước có viết một bài về việc các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, ngoài chứng năng sản xuất của mình, đang bắt đầu cho những công ty khác vay để lấy lãi (đây vốn là chức năng của ngân hàng!) Dựa vào biểu đồ cùng đăng trong bài của Economist, chúng ta có thể thấy trong khi lượng tiền vay từ ngân hàng đang phát triển chậm lại (cột xanh nhạt), các khoản vay từ ngành ngân hàng ngầm (xanh đậm hơn) lại ngày một gia tăng.


Source: The Economist
2 - Thị trường mới nổi nào có ngân hàng ngầm phát triển?

Tôi lấy những thông tin dưới đây từ bộ dữ liệu về các khoản vay đến bộ phận tư nhân (cá nhân và doanh nghiệp) ở nhiều nước khác nhau. Bộ dữ liệu được xây dựng bởi BIS và ngân hàng trung ương của các nước thành viên; 50% các biến của bộ dữ liệu này có dữ liệu từ trước 1990. Quan trọng hơn, bộ dữ liệu này cung cấp lượng tín dụng, phân loại theo (1) người mượn (cá nhân hay doanh nghiệp), và (2) người cho vay (ai cho vay: ngân hàng trong nước, các nguồn khác trong nước, hay mượn từ nước ngoài). Lúc đầu, tôi tải bộ dữ liệu này chỉ để xem thử các nước trong nhóm năm nền kinh tế mỏng manh (The Fragile Five) - Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ - có dựa vào tiền vay của nước ngoài nhiều hay không. Vô tình bộ dữ liệu này cũng cho thấy một ít về ngành ngân hàng ngầm ở các nước này và Trung Quốc.

Tôi tạo một ít biểu đồ dưới đây để minh họa dữ liệu từ BIS:
Fraction of Lending to Private Non-financial Sector in Emerging Markets provided by Banks (green) and Non-banks/Cross-border Lending (Blue)
Source: BIS, own calculations.

Mỗi biểu dồ trong hình thể hiện lượng tiền cho vay đến khối tư nhân phi tài chính (cá nhân + doanh nghiệp) ở một số thị trường mới nổi, phân loại theo khoản vay từ ngân hàng nội địa (xanh lá cây) và phần vay từ các nguồn khác (xanh dương). Sáu nước được thể hiện trong biểu đồ là (từ trái sang phải, trên xuống dưới): Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nam Phi. 

Có một số tin tốt và một số tin xấu. Tin tốt là cả 5 nước ở các thị trường mới nổi đều có một hệ thống ngân hàng nội địa khác vững chắc, cung cấp tín dụng cho hầu hết nhu cầu vay của khối tư nhân trong nước (trong hình, các khoản xanh dương nhìn thấy được rất nhỏ so với phần diện tích xanh lá). Điều này có một ý nghĩa khá khả quan: giả như các dòng tín dụng quốc tế (vốn đang đổ ào ạt vào các thị trường mới nổi này) đổi chiều trong một hai năm tới (vì Fed siết chặt tín dụng ở Mỹ chẳng hạn; để hiểu thêm hãy xem bài post trước), thì vì tỉ lệ tín dụng từ nước ngoài của khối tư nhân khá thấp, tác dụng trực tiếp đến tiêu dùng (từ cá nhân) và sản xuất (từ doanh nghiệp) của sự đổi chiều tín dụng này sẽ khá thấp hoặc không đáng kể. Tuy thế, chúng ta vẫn nên để ý rằng dù ngân hàng nội địa là người cho vay hầu hết các khoản nợ tư nhân, các ngân hàng này lại có thể mượn tiền từ các ngân hàng quốc tế; do đó, nếu tín dụng quốc tế ngừng chảy vào các thị trường mới nổi, những tác động gián tiếp (thông qua kênh ngân hàng nội địa) vẫn có thể xảy ra. Dù gì đi chăng nữa, tôi vẫn phải nói rằng hình ảnh trên khá ấn tượng đối với tôi, vì tôi không ngờ rằng các ngân hàng nội địa lại vẫn còn giữ vai trò lớn như thế ở các thị trường mới nổi.

Bây giờ, chúng ta tập trung vào Trung Quốc, nước duy nhất trong 6 nước trên có một lượng xanh dương khá lớn và rõ ràng, bắt đầu xuất hiện từ 2005, và ngày càng nới rộng ra. Điều này cho thấy rằng cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc đang vay ngày càng nhiều từ các nguồn không phải là ngân hàng nội địa. Cụ thể hơn, dữ liệu từ BIS cho thấy khoảng cách tín dụng (giữa tín dụng từ ngân hàng nội địa và tín dụng từ các nguồn khác) ở Trung Quốc là 26261 tỉ nhân dân tệ vào tháng 12/2013; nghĩa là khoảng 4.25 nghìn tỉ USD (theo tỉ giá hôm nay). Nên nhớ rằng khoảng cách tín dụng này có thể đến từ 2 nguồn: mượn từ nước ngoài hoặc từ ngành ngân hàng ngầm ở trong nước. Tôi kiếm thử nợ nước ngoài của TQ, và báo Xinhua báo rằng Trung Quốc đang nợ nước ngoài gần 1 nghìn tỉ USD, tính đến đầu năm 2014.  Điều này có nghĩa là (nếu ta tin Xinhua) khoảng 3.25 nghìn tỉ USD tín dụng ở TQ là đến từ ngành ngân hàng ngầm! Lượng tiền này bằng khoảng gấp hai lần nợ công của Mỹ hiện tại, và chiếm khoảng 19% của tổng lượng tín dụng đến khối tư nhân của Trung Quốc.

Tại sao chúng ta quan tâm?

Tất nhiên tôi nghĩ rằng con số 1/5 lượng tiền mà cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc vay đến từ ngành ngân hàng ngầm rất đáng sợ. Ngành này trong giai đoạn nở rộ của nền kinh tế thì có vẻ là một phương án tín dụng khá hấp dẫn, nhưng lại rất dễ vỡ và sụp đổ trong khủng hoảng. Câu hỏi "sự sụp đổ của ngân hàng ngầm sẽ ảnh hưởng nền kinh tế đến mức nào" đòi hỏi các nhà kinh tế phải viết ra những mô hình mới; tuy nhiên, chỉ để ví dụ, giả như chỉ cần 50% của ngành ngân hàng ngầm TQ sụp đổ trong một cuộc khủng hoảng, điều đó có nghĩa là 10% tín dụng của tư nhân và doanh nghiệp sẽ bị mất đi. Điều này sẽ gây ra tác động đến nền kinh tế từ cả hai phía: tiêu dùng (từ cá nhân) và sản xuất (của doanh nghiệp tư nhân). Vì Trung Quốc là cả nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới lẫn chủ nợ lớn nhất thế giới, một cuộc suy giảm kinh tế ở nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhiều nền kinh tế lớn nhỏ khác. Khi chúng ta còn chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng tài chính 2008, có lẽ nền kinh tế toàn cầu còn chưa đủ mạnh để có thể chống lại một cuộc khủng hoảng khác gây ra bởi ngành ngân hàng ngầm của Trung Quốc. Nếu TQ không tìm cách kìm hãm ngành ngân hàng ngầm lại, thì hậu quả đến cả thế giới thật sự khó lường.

Sunday, July 20, 2014

Ngân hàng mới của BRICS: Lật ngược ván cờ?

Lãnh đạo của các thị trường mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vừa đạt thỏa thuận đầu tuần này để thành lập một ngân hàng phát triển mới với quỹ ban đầu 50 tỉ USD, đóng góp đều bởi mỗi nước. Ngoài ra, một quỹ dự trữ ngoại tệ chung cũng sẽ được thành lập với tổng trị giá 100 tỉ đô. Diễn biến mới này đã mở ra nhiều cuộc tranh luận khắp các báo và giữa các nhà kinh tê, chủ yếu cố gắng trả lời 2 câu hỏi: (1) Liệu ngân hàng và quỹ tiền tệ mới này có thể thách thức nổi vai trò tài chính và tín dụng quốc tế hiện giờ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không, và (2) liệu hai tổ chức mới này có thể thúc đẩy phát triển và giảm nghèo ở các nước đang phát triển tốt hơn WB và IMF hay không.

Theo tôi, câu hỏi (1) là quan trọng bởi vì nếu 5 nước đang phát triển này có thể thay đổi vai trò với phương Tây và Mỹ để trở thành đầu tàu tín dụng và tiền tệ thế giới, thì đó là bước đầu rất căn bản và quan trọng để họ có được những quyền lực khác trên trường quốc tế. Tất nhiên, đáng ra chuyện nước A hay nước B nắm giữ ngân hàng quan trọng nhất của thế giới sẽ không quan trọng lắm, trừ phi A và B có những chính sách chính trị, ngoại giao rất khác biệt nhau, và muốn sử dụng hệ thống tài chính để áp đặt chính sách của họ lên các nước khác. Điều này rất đáng tiếc đang xảy ra với hệ thống của phương Tây, và cũng sẽ lại xảy ra nếu BRICS có thể nắm quyền thành công. Do vậy, dù gì đi nữa, câu hỏi số (2) mới là điều quan trọng nhất.

THÁCH THỨC PHƯƠNG TÂY?

Chính vào tháng này 70 năm trước, các lãnh đạo thế giới đã gặp mặt tại hội nghị Bretton Woods để quyết định thành lập nên Ngân hàng Thế giới (chính thức: Ngân hàng Quốc tế cho Tái Thiết và Phát Triển) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi đó đóng vai trò chủ yếu trong hội nghị này là Mỹ và Anh. Kể từ đó, WB lúc nào cũng có một chủ tịch người Mỹ, còn IMF luôn chọn một người châu Âu để dẫn đầu. Sự thành lập của Ngân hàng Phát triển BRICS (viết tắt: NH BRICS) lần này rõ ràng là một nỗ lực tái dựng tài chính quốc tế kiểu Bretton Woods, mà dẫn đầu là các nền kinh tế mới nổi thay vì Mỹ và phương Tây.

Thách thức phương Tây hay không, việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ riêng chắc chắn sẽ giúp cho BRICS độc lập hơn trong các quyết định tài chính công và phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Có một sự thật bất thành văn là những khoản nợ cho vay của WB và IMF thường mang tính chủ quan và không chỉ được quyết định từ các yếu tố kinh tế. Đã có một vài ý kiến rằng khoản nợ đầu tiên, trị giá 250 triệu đô cho Pháp, trong lịch sử của WB đã được quyết định trao cho Pháp cùng với điều kiện (của Mỹ) rằng Chính phủ Pháp phải ngừng liên minh với Đảng Cộng sản. Vậy thì, cái gì có thể đảm bảo tằng WB và IMF sẽ vui vẻ giúp đỡ nếu Nga gặp phải khủng hoảng cán cân thanh toán trong khi nước này đang đối đầu với Mỹ và phương Tây về tình hình Ukraine chẳng hạn? Không gì cả. Vì lý do đó, sở hữu ngân hàng và quỹ dự trữ của riêng mình giúp BRICS tách được rõ ràng phụ thuộc kinh tế và chính sách ngoại giao của mình.

Trước mắt, một điều không thể phủ nhận rằng ngân hàng và quỹ dự trữ của BRICS không thể nào là đối thủ của WB và IMF khi tính về kích cỡ (giá trị của tài sản) - trừ phi một số thị trường mới nổi của nhóm này tăng trưởng theo tốc độ của Trung Quốc trong 10-20 năm nữa. Hiện nay WB có tài sản trị giá 324 tỉ đô (tính luôn các khoản nợ chưa đáo hạn), và IMF có 368 tỉ đô trong dự trữ, cùng với một lượng tiền trị giá 1000 tỉ đô mà các nước đã hứa sẽ đưa đến IMF khi cần. Do đó, WB có tài sản gấp 6 lần NH BRICS, và IMF có lượng quỹ gấp hơn 10 lần quỹ dự trữ của BRICS. Hơn nữa, vì phần lớn tài sản của hai tổ chức truyền thống này là được đóng góp từ các nước giàu, dù cho một số nước khác chuyển sang đóng góp cho BRICS, họ vẫn có thể đảm bảo một lượng tín dụng ổn định. Vì thế, nói về kích cỡ, ngân hàng BRICS có vẻ như là một David trước người khổng lồ Goliath có tên WB. Chưa kể, quỹ dự trữ của BRICS có thể sẽ không có tác dụng cho lắm. Chẳng hạn như, Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã phải cùng nhau giúp đỡ Hy Lạp khi nước này gặp khủng hoảng nợ vài năm trước, và lượng tiền họ phải đổ vào nước này là 110 tỉ euro vào tháng 5 năm 2010, và 100 tỉ euro nữa vào tháng 7/2011. Con số này là gần như gấp 3 lần lượng tiền mà BRICS có bây giờ.

Tất nhiên là so sánh này có phần khập khiễng: không nước BRICS nào có một nền tảng kinh tế yếu ớt như Hy Lạp. Ngay cả nước có khoản nợ công lớn nhất của BRICS là Brazil, với 54.9% GDP, vẫn không ăn nhằm gì so với 161.3% hiện giờ của Hy Lạp. Tuy nhiên, có một yếu tố khác nguy hiểm hơn: nguy cơ hệ thống. Nhiều nước trong BRICS đang là điểm dừng của một lượng đầu tư khổng lồ chảy vào không ngừng nghỉ kể từ 2011. Do đó các nước này đang chịu rất nhiều nguy cơ tỉ giá và nguy cơ tháo vốn (hay còn gọi là (vốn) dừng đột ngột, theo ngôn ngữ trong kinh tế học) khỏi các nước này. Các nguy cơ khủng hoảng này, nếu diễn ra, lại có khuynh hướng diễn ra cùng một lúc ở nhiều nước. Còn nhớ mùa hè năm ngoái, khi Fed chỉ mới bắt đầu đưa ra tín hiệu sẽ bỏ đi chương trình mua tài sản (vốn dùng để hạ lãi suất, kích thích thị trường Mỹ, nhưng vô tình lại tạo ra một lượng tiền đô la khổng lồ chảy vào các thị trường nóng), các nhà đầu tư phản ứng dữ dội, lập tức rút vốn ra khỏi các nước mới nổi ngay, và đổi từ ngoại tệ địa phương sang đô la, khiến các đồng tiền này mất giá nhanh chóng (vài đồng tiền đã mất giá trị hơn 20% so với đồng đô la trong năm 2013). Không phải ngẫu nhiên mà cùng một lúc 3 nước thuộc BRICS, Brazil, Ấn Độ, và Nam Phi lại được liệt kê vào danh sách "5 nền kinh tế dễ vỡ" (The Fragile Five) - ý chỉ 5 nền kinh tế cực kỳ nhạy cảm với dòng vốn và tâm trạng của các nhà đầu tư. Giả sử 3 nước này lâm vào khủng hoảng cùng một lúc, như vậy quỹ BRICS chỉ có thể cung cấp 33.3 tỉ USD cho mỗi nước, không đủ nhiều để thực sự giải quyết khủng hoảng.

Như vậy, dù có quỹ dự trữ của riêng họ, tôi nghi rằng BRICS sẽ dám thách thức hay dứt áo ra đi khỏi IMF trong tương lai gần.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TỐT HƠN?

Như một số tờ báo đã nói, ngân hàng phát triển này có thể thắng được trái tim của rất nhiều các nước châu Phi vốn đang đói vốn, nhưng không thể mượn vì lo ngại nhiều điều kiện về tái cơ cấu tài khóa hay cấu trúc nền kinh tế mà WB và IMF thường đòi hỏi khi cho mượn tiền. Đôi khi 2 nước này còn đòi hỏi nước mượn tiền các điều khoản về nhân quyền, môi trường,... những giá trị mà phương Tây ủng hộ. BRICS có khi sẽ không quan tâm về điều này. Hiện giờ BRICS vẫn chưa công bố chính thức phương thức cho vay của họ cho đến 2016, khi 2 tổ chức này chính thức hoạt động. Tuy nhiên, để tạo nên ưu thế so với WB và IMF, ngân hàng và quỹ dự trữ BRICS phải bỏ bớt các điều kiện này. Do đó, sự thành lập của ngân hàng BRICS có lẽ sẽ tạo nên dòng vốn dễ tiếp cận hơn cho các nước đang phát triển.

Trong lịch sử, các điều kiện đưa ra bởi IMF và WB không phải lúc nào cũng tốt, và đã vài lần bị chỉ trích nặng nề vì người ta cho rằng các điều kiện này kiềm hoãn phát triển (chẳng hạn như, vài người cho rằng IMF làm tệ đi khủng hoảng đồng tiền ở châu Á năm 1997-1998). Do đó, nếu BRICS quyết định không đưa ra những đòi hỏi tương tự WB hoặc IMF, đây lại có thể là một điều tốt cho các nước thành viên. Có thể, hoặc có thể không. Tôi chỉ sợ rằng các khoản cho vay bất cẩn sẽ cho phép các chính phủ (vốn tham nhũng và tài khóa vô trách nhiệm) có nhiều tiền hơn để dùng sai mục đích. Trường hợp xấu nhất, nhưng rất có thể xảy ra, là những khoản nợ này bị dùng sai mục đích và do đó không thúc đẩy phát triển, nhưng lại khiến các nước này ngày càng phải gánh nhiều nợ hơn. Do đó, cho tới khi biết rõ chính sách của BRICS năm 2016, chúng ta khó có thể biết được rằng ngân hàng này là tin tốt hay xấu cho sự tăng trưởng của các nước đang phát triển.

Suy cho cùng, tôi không quan tâm lắm về chuyện ai sẽ nắm quyền ngân hàng và quỹ dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới. Cái thực sự quan trọng là ai có thể làm bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển tốt hơn. Tất cả các nước BRICS đều đã có thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khi nói về tăng trưởng bền vững, tôi vẫn không tin tưởng Trung Quốc cho lắm. Vậy nên, cho đến khi NH BRICS có thể chứng minh hiệu quả, chắc cho phép tôi vẫn giữ sự ủng hộ của mình cho WB.

Thành lập Blog Những Suy nghĩ về Kinh tế

Xin chào, tên tôi là Châu Thanh Vũ, sinh viên năm cuối khoa Kinh tế của ĐH Princeton (Mỹ). Nghiên cứu của tôi tập trung vào lý thuyết kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ (quốc tế), và khủng hoảng kinh tế. Blog này sẽ tập trung vào tình hình vĩ mô ở Mỹ, châu Âu, và các thị trường mới nổi (cụ thể là BRICS + Thổ Nhĩ Kỳ + Indonesia) và mối liên hệ chặt chẽ, những tác động xuyên biên giới của các chính sách kinh tế nội địa. Tuy nhiên, đôi khi sẽ có một vài bài về thị trường lao động/lý thuyết lao động, hoặc kinh tế phát triển, vì tôi cũng thích nghiên cứu trong mảng này.

Tại sao tôi lập nên blog này?

Blog này chủ yếu là dùng cho mục đích cá nhân:

1) Để tăng hiểu biết kinh tế: 2 năm trước, khi toi mới bắt đầu đọc các tạp chí và blog kinh tế, tôi khá bị "shocked" bởi (1) tôi biết rất ít về kinh tế trong đời thực, và (2) tôi hầu như không biết áp dụng kinh tế trong sách vào các tình huống đời sống. Do đó, blog này quan trọng nhất là để tôi kết hợp lý thuyết kinh tế và phân tích kinh tế trong đời thực.

Hơn nữa, năm ngoái, tôi đi thăm một giáo sư trong khoa để giải thích cho thầy ấy về một ý tưởng cho bài luận văn năm 3. Ý tưởng của tôi vốn rất nặng về lý thuyết, vì tôi rất thích lý thuyết kinh tế. Sau khi lắng nghe tôi trình bày xong trong vòng 10 phút, giáo sư mới bắt đầu nói: "Ý tưởng của em rất "dễ thương", nhưng lại không đúng trong thực tế một xíu nào." Nhờ vào thầy ấy, tôi mới đào sâu hơn và cố gắng tìm một ý nghĩa thực tế cho bài luận văn của mình hơn. Cuối cùng, bài luận văn của tôi vẫn tập trung về lý thuyết, nhưng lại mang tính ứng dụng vào đời thực nhiều hơn, và được giáo sư hướng dẫn của tôi (một thầy khác) rất thích. Vị giáo sư cho tôi lời khuyên giờ đang hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho tôi; song bài học đầu tiên ông dạy tôi là nên cố gắng hiểu nền kinh tế đời thực trước khi đặt bút xuống viết cái gì đó.

2) Để tăng khả năng viết và lý luận: Tôi nhận ra một sự thật phũ phàng năm ngoái rằng tôi không viết tốt cho lắm, chủ yếu bởi vì suốt cả quãng đời đại học, tôi đã rất cố gắng né tránh các lớp mà tôi phải viết essays. Mặc dù tôi vẫn tin tưởng và chuộng hơn làm những thứ mang tính định lượng (giải toán, lập trình, xử lý dữ liệu), tôi nghĩ rằng học được cách viết ngắn gọn và xúc tích, nhưng đồng thời mang tính thuyết phục cao là rất quan trọng.

Tôi hy vọng rằng blog này sẽ là một trong số những nền tảng mà tôi cần để phát triển sự nghiệp học thuật, nghiên cứu, cũng như suy nghĩ kinh tế nói chung sau này.

Xin lưu ý rằng blog này sẽ được viết bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh. Để xem phiên bản tiếng Anh, theo link: vceps.blogspot.com.